1. Aikido như là một môn võ thuật.
Aikido (Hiệp khí đạo) là một hệ thống kỹ thuật bắt nguồn từ các môn võ thuật truyền thống của Nhật Bản. Những môn võ thuật đó đã gìn giữ được nét truyền thống của họ một cách nguyên vẹn, vì được truyền lại từ thời xa xưa, và thường gọi là cổ võ đạo (kobudo). Tuy nhiên, Aikido không phải là một trong số các môn cổ võ đạo ấy. Vị khai tổ của Aikido, Ueshiba Morihei, đã từng được đào tạo, tập luyện trong nhiều hệ phái võ thuật truyền thống, rồi sau đó ông đã phát triển thành Aikido, một hệ thống hoàn toàn mới. Ueshiba Morihei đã đúc kết những tinh hoa của các hệ thống cũ và sáng tạo nên môn võ thuật cho tương lai, một tân-Võ đạo (new Budo) trong bối cảnh xã hội đương thời.
Có nhiều môn võ thuật hiện đại khác như Judo (Nhu đạo), Kendo (Kiếm đạo), và Karate-do (Không thủ đạo), nhưng tất cả những môn võ ấy đều dựa trên sự giao tranh bằng các yếu tố vận động. Trái lại, Aikido nằm ngoài sự thi đấu có tổ chức, mà đặt tầm quan trọng hàng đầu vào sự phát triển tinh thần cá nhân và trách nhiệm xã hội. Có lẽ đặc điểm nổi bật nhất của Aikido là nó bảo tồn những phương diện tốt nhất của quá khứ trong khuôn khổ các điều kiện xã hội hiện tại để tạo thành một môn Võ đạo thuần khiết, hiện đại, và phổ quát.
2. Aikido như là một phương pháp rèn luyện.
Aikido không tổ chức các cuộc thi đấu, mà xem việc rèn luyện tinh thần cá nhân là tối thượng. Tổ sư Ueshiba Morihei dạy rằng, “Không bao giờ ngừng trui rèn tinh thần và thân thể để cải thiện tâm tính của bạn qua tập luyện – và đây là nguyên tắc đầu tiên.” Trong Aikido, chúng ta tôi luyện tâm và thân, phát triển một tinh thần an định kiên cố, tìm kiếm sự toàn hảo trong tinh thần con người, và tập luyện không ngừng. Đây là sức mạnh của sự phát triển về tinh thần.
Mục đích của việc tập luyện Aikido là để bản thân hài hòa với tự nhiên, hợp nhất thân và tâm, làm hiển lộ thiên tính tốt đẹp bên trong, khởi phát sức mạnh tinh thần con người và an trú trong một trạng thái hiện hữu an toàn, kiên định.
3. Aikido như là sự tự vệ.
Aikido là Võ đạo (Budo), thực chất không phải là một hệ thống tự vệ, và không có bất kỳ sự giao đấu có tổ chức nào. Tuy nhiên, con người phải liên tục đối mặt với các nguy cơ, và tai họa có thể xảy ra không lường trước được. Aikido không thể bảo vệ chúng ta khỏi những mối nguy hiểm bất ngờ ấy, nhưng nó giúp ta phát triển sự bình tĩnh, và dạy ta cách di chuyển hiệu quả nhất, điều đó có thể tác động như sự tự vệ chống lại những cuộc tấn công đột ngột. Trong trường hợp người thực hành Aikido là nữ giới, qua tập luyện, họ học được cách kiểm soát một lực tấn công mạnh hơn và di chuyển một cách nhanh chóng, hợp lý; những kỹ năng này có thể được áp dụng theo một phương thức thiết thực và hiệu quả khi cần tới.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thể dùng thân thể để chế ngự kẻ tấn công thì đó không phải là sự tự vệ. Một lần nữa, sự bình tĩnh quan trọng hơn nhiều, và tránh được các tình huống hiểm nguy ngay từ đầu là mấu chốt của sự tự vệ, đặc biệt là ở phụ nữ. Sự bình tĩnh an định là điều mà chúng ta phát triển hàng ngày trong việc tập luyện Aikido.
Hơn nữa, trong thế giới hiện đại, chúng ta đối diện với các nguy cơ khác nhau. Giao thông, sạt lở, động đất, hỏa hoạn, và những thứ tương tự cũng là các kẻ thù của chúng ta. Aikido cũng giúp ta phát triển sự bình tĩnh – tự vệ – để đương đầu với những mối đe dọa này.
4. Aikido cho sự lành mạnh về tinh thần.
Dù sớm hay muộn, tất cả những ai thực hành Aikido đều lưu ý rằng, bởi những động tác của Aikido dựa trên các nguyên lý tự nhiên, nên sự cân bằng giữa thân và tâm được khôi phục một cách tự nhiên. Trong lúc tập luyện, sự căng thẳng dường như tan biến. Những điều bất toàn trong tâm tính của một người được giải quyết. Người ấy mở mang một lối nhìn tươi sáng hơn, một thái độ lạc quan tích cực hơn. Nói cách khác, một tính cách “bề ngoài linh hoạt, bên trong kiên cố như kim cương”. Ta thường thấy quần chúng cư xử thô bạo hoặc bị những ham muốn của họ chế ngự, nhưng trong số các môn sinh Aikido thì hiếm thấy những người như vậy. Những môn sinh Aikido thường tươi vui, không phiền muộn, cá tính, họ không nhút nhát. Trong các kỹ thuật Aikido, chúng ta học cách để điều dẫn sức mạnh của khí (ki) trong thân và tâm, điều đó sẽ giúp xua tan đi sự bế tắc trì trệ bên trong.
5. Aikido cho sức khỏe thể chất.
Trong Aikido, mọi sự di chuyển đều dựa trên các mô thức tự nhiên. Đó là một phương pháp rèn luyện cân bằng, và vì thế mà tự nhiên nó có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, trong đời sống hàng ngày, do phụ thuộc vào máy móc, cho nên đa số trong chúng ta không còn sử dụng toàn bộ cơ thể, và chính điều ấy có liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Trong Aikido, có nhiều động tác toàn thân làm duỗi căng cơ, khớp một cách tự nhiên, và giúp ta giữ được sự linh hoạt. Việc luyện tập Aikido còn kích thích hệ thần kinh, thúc đẩy tuần hoàn máu thuận lợi. Từ quan điểm của ngành y tế dự phòng thì đây là môn thể dục tốt nhất.
6. Aikido như là sự rèn luyện suốt đời.
Gần đây, việc cha mẹ và trẻ em cùng nhau tập luyện Aikido không phải là hiếm. Aikido tốt cho mọi người, bất kể tuổi tác, và nó là hình thức rèn luyện suốt đời quý giá. Trẻ em, sinh viên, người lớn – mọi lứa tuổi đều được hưởng lợi ích từ việc phát triển tính cách và điều hợp thân tâm. Trẻ em bắt đầu tập luyện môn võ Aikido sẽ trở nên bình ổn và học được cách cư xử lịch thiệp. Trong các động tác cơ bản của Aikido, người ta học cách giải phóng khí và năng lượng tự nhiên ra bên ngoài, không để bị tích tụ bên trong mình, và không có gì bị gượng ép. Sự tập luyện như thế sẽ có một hiệu quả tích cực đến tính cách của một người, khiến cho tâm tính của họ hoạt bát và rạch ròi hơn. Những kỹ thuật về thân thể của Aikido sẽ làm thân, tâm con người trở nên tươi mới.
Aikido phổ biến trong giới trẻ. Nó là Võ đạo truyền thống, nhưng vượt ngoài các yếu tố thể thao, và chính điều đó đã hấp dẫn nhiều người trẻ tuổi năng động mong mỏi phát triển toàn bộ cá tính của họ – khí, tâm, thân, và nội lực – như một. Aikido còn giúp giải tỏa một số áp lực và đào luyện kinh nghiệm cho người trẻ.
Đối với người lớn, Aikido nhấn mạnh nhiều hơn vào việc duy trì sự hài hòa của thân và tâm, sức khỏe tốt, và sự ưu nhã về tinh thần. Trong Aikido, chúng ta luôn cố gắng giữ bản thân mình tập trung vào đan điền ở dưới rốn (seika-tanden, trọng tâm – vật lý của cơ thể nằm chừng 5,8 cm dưới rốn), và di chuyển cùng với khí, thân, tâm đồng nhất. Với một tâm điểm vững chãi như vậy thì thật dễ để di chuyển một cách thoải mái và linh hoạt. Người nào có vẻ ngoài tự nhiên linh động nhưng bên trong mạnh mẽ kiên quyết thì sẽ được xã hội ngưỡng mộ. Trong Aikido, chúng ta có những môn sinh còn cao tuổi hơn. Bởi vì Aikido có nhiều sự biến hóa và các kỹ thuật có thể điều chỉnh để thích nghi với những nhu cầu của một người nào đó, nó giúp giữ cho tâm và thân của bạn linh hoạt. Thậm chí các môn sinh 80 tuổi vẫn có thể tiến hành tập luyện thỏa mãn và bổ ích trong Aikido.
7. Aikido trong bối cảnh văn hóa Nhật Bản truyền thống.
Sau khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến II, phần lớn văn hóa truyền thống của Nhật Bản đã bị lãng quên trong cơn lốc điên cuồng để chạy theo xu hướng phát triển kinh tế của thế giới. Ngày nay, Nhật Bản thực sự đã là một siêu cường kinh tế, nhưng khi ngẫm lại, hầu hết tinh thần truyền thống của chúng ta đã mất mát, và chúng ta nghèo nàn đáng thương vì điều đó. Hiện thời, nhiều người đã quên đi những nỗi kinh hoàng của chiến tranh và cả những nỗ lực được đưa vào việc phát triển nền kinh tế Nhật Bản. Giờ đây, chính là lúc để chúng ta bảo tồn những yếu tố tốt đẹp nhất của truyền thống Nhật Bản.
Trong quá khứ, người Nhật đã từng học được những giá trị của các truyền thống cao quý, như lòng kính trọng, niềm tin, đức liêm chính, và sự quyết tâm. Aikido khởi phát từ các môn võ thuật Nhật Bản cổ xưa, không phải chỉ như một sở thích hay là trò tiêu khiển, mà là một biểu hiện chân thực của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Aikido không phải là một thứ võ nghệ chuyên chú vào việc đánh thắng đối thủ; mà Aikido, như nhiều người thấy, là Đạo, hướng đến sự hoàn thiện về nhân cách.
8. Aikido nuôi dưỡng các mối quan hệ.
Như chúng ta đã bàn tới, hoàn toàn không có bất kì động tác gượng ép nào trong Aikido; mọi thứ điều tự nhiên và hài hòa. Aikido nuôi dưỡng những phương cách hành xử tốt đẹp, tính toàn vẹn, và giúp con người phát triển một tính cách linh hoạt nhưng kiên quyết. Từ khi Aikido khai sáng cho những người tôn vinh nền hòa bình; nó đã được thế giới tôn vinh trên diện rộng.
Ngay từ đầu, Aikido chưa bao giờ ủng hộ các cuộc thi đấu có tổ chức. Aikido tránh xa mọi xung đột, và nhấn mạnh việc trau dồi thân, tâm. Trong tập luyện chuyên môn, tinh thần hòa hợp phát sinh và tình bằng hữu chân chính xuất hiện, và trong tình bằng hữu, có tính đoàn kết nhất trí. Ở Aikido, đây là điều tạo nên các mối quan hệ bền vững.
Aikido là dành cho tất cả mọi người, ở mọi nơi trên trái đất. Aikido tượng trưng cho sự hòa hợp, tình thương, và hòa bình. Hiện nay, Aikido gần như được mọi quốc gia trên thế giới thực hành – nó thực sự là một bộ môn nghệ thuật quốc tế.
Doshu Moriteru Ueshiba (Progressive Aikido)
Dịch và biên soạn: HLV. Phạm Duy Khoa