HỎI VÀ ĐÁP TRONG AIKIDO

Con người trong xã hội hiện đại khó có thể hiểu được Aikido. Phần đông trong số họ chơi những môn thể thao đòi hỏi sức lực cơ bắp, kỹ thuật, và tổ chức những cuộc thi đấu để phân rõ rạch ròi kẻ thắng người thua. Nhưng Aikido không đi theo con đường đó và thường khiến cho những người mới nhập môn bối rối. Để đem Aikido đến cho mọi người một cách dễ dàng hơn, ở đây chúng tôi sẽ có phần hỏi và đáp cho những thắc mắc thường gặp nhiều nhất. Nhiều câu trả lời trong đây ban đầu có thể làm cho bạn sửng sốt, nhưng khi bạn tập luyện Aikido thực sự, bạn sẽ sớm nghiệm ra và hiểu được, bạn sẽ trân trọng những nét đặc trưng của môn võ này.

Hỏi (H): Aikido khác biệt với những môn thể thao khác như thế nào?
Đáp (Đ): Aikido là Budo. Nó là một loại võ thuật đặc biệt, nhấn mạnh sự phát triển tinh thần.
Tuy nhiên, Aikido được công nhận như là một thành viên của GAISF, một hiệp hội thể thao quốc tế từ năm 1994, vì vậy Aikido không thể không được xem như là một môn thể thao thực sự, giống như điền kinh. Xin lưu ý rằng, thế vận hội được tổ chức bởi GAISF, không hề có môn thi đấu nào cả và nó không có quảng cáo nào liên quan đến thế vận hội Olympic.
Trong khi các môn thể thao tập trung hoàn toàn vào thi đấu thì mục đích chính của Aikido là sự phát triển, sự rèn luyện về tinh thần. Trong Aikido, chúng ta sẽ không bao giờ sử dụng những trò dối trá, gian manh hoặc dùng lực quá mức để khống chế đối phương. Đây chính là sự khác biệt của Aikido với các môn thể thao khác.
Trong các môn thể thao hiện đại, yếu tố tâm lý thường được nhắc đến, nhưng nếu chỉ để đánh bại đối thủ thì nó không hề bổ trợ sự phát triển về tinh thần. Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Bộ giáo dục Nhật Bản ban hành công văn yêu cầu các giáo viên không nên xem nhẹ yếu tố tinh thần trong việc giáo dục thể chất. Ngày nay, nhiều nhà giáo dục nhận ra rằng chiến thắng không phải là đích cuối cùng của tất cả các môn thể thao và có lẽ Aikido và các môn thể thao khác sẽ có cùng chung một vài quan điểm.
Một cách tổng quát, chúng tôi phải nhắc lại một lần nữa rằng mục đích chính của Aikido là sự phát triển về tinh thần. Đó là Budo, và là một môn võ thuật xuất phát từ một môi trường mà trong đó sự sống và cái chết được quyết định chỉ trong tích tắc. Aikido có cái nhìn tổng thể về con người, một cách sâu sắc nhất, điều mà các môn thể thao khác không thể làm được. Aikido sử dụng phương pháp luyện tập của các môn võ cổ truyền trong bối cảnh xã hội hiện đại.

H: Tại sao Aikido không có thi đấu?
Đ: Khi nghĩ về Budo trong bối cảnh thời đó, chắc hẳn ta sẽ thấy rằng Budo phải có một mục đích khác ngoài việc dạy người ta dùng võ thuật để đánh bại đối thủ. Liệu ai còn thực sự hứng thú và quan tâm đến loại mục đích này nữa không? Con người bây giờ quan tâm đến những thứ có tính thực dụng để áp dụng vào cuộc sống. Budo hiện đại cũng phải có sự liên hệ nào đó tới những vấn đề của cuộc sống thường nhật. Đây chính là một trong những lí do giải thích rằng “Aikido không có thi đấu”.
Trong Aikido, không hề tồn tại khái niệm “đánh bại đối thủ”. Nếu thi đấu được cho phép, niềm khao khát chiến thắng, khao khát để đánh bại đối thủ sẽ trỗi dậy; điều si mê này khiến chúng ta không thể nào có sự hòa hợp với tự nhiên. Sự si mê đó, là hoàn toàn đi ngược với bản chất chân thật của sự hòa hợp giữa trời và đất. Mục đích tối quan trọng của Aikido là con người hòa làm một với tự nhiên, và hoạt động một cách hài hòa tự nhiên với mọi vật của trời và đất. Điều này, cảnh giới này là điều không thể đạt được trong thi đấu, và đó là lí do tại sao Aikido không thi đấu.

H: Liệu Aikido có làm cho bạn mạnh mẽ hơn không?
Đ: Aikido sẽ làm cho bạn thêm mạnh mẽ. Trong Aikido, chúng ta rèn luyện cả về thể xác lẫn tinh thần qua sự rèn luyện hàng ngày. Rèn luyện về sức mạnh tinh thần sẽ giúp cho chúng ta có một sự tự tin vững chắc để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Đó mới là sức mạnh thật sự.

H: Đâu mới là nhân tố quan trọng nhất trong rèn luyện sức mạnh tinh thần?
Đ: Aikido là Budo. Môn võ này không chỉ rèn luyện về tinh thần. Chỉ có cách tập luyện hằng ngày, thì người ta mới có thể học được Aikido. Học Aikido không hề đơn giản như là hiệu nghiệm của câu thần chú nhiệm màu hoặc là đọc một đoạn văn nào đó. Đây là điều rất quan trọng chúng ta phải nắm vững.
Không hề sợ hãi trước bất kì điều gì, và tinh thần không được xao động – đây chính là điều cốt lõi trong Aikido. Trong võ thuật, võ sinh được huấn luyện giữ vững trọng tâm vào điểm seika tanden (đan điền). Trong Aikido, sự quan trọng của điểm seika tanden (đan điền) không bị lược đi, thậm chí còn bao gồm nhiều điều hơn nữa – võ sinh phải giữ vững trọng tâm từ đan điền (seika tanden) tới tận lòng bàn chân, họ phải giữ trọng tâm với trái đất, và phải liên hệ với vũ trụ. Nếu chúng ta có thể làm được điều này, thì chúng ta mới có thể lĩnh hội được sự hài hòa tự nhiên của mọi thứ trong vũ trụ bao la này.

H: Tôi nghe rằng Aikido dành cho mọi người – phụ nữ, đàn ông, già, hoặc trẻ. Có đúng không?
Đ: Như chúng tôi đã đề cập từ trước, con người hiện đại đang tìm kiếm một cái gì đó thực tế mà áp dụng trong đời sống hàng ngày. Một hoạt động nào đó dùng để làm gì, nếu chỉ có thể thực hiện được khi bạn trẻ, hoặc chỉ để dành cho đàn ông con trai? Aikido dành cho mọi người – phụ nữ, đàn ông, trẻ nhỏ, người lớn. Ở Nhật bản, tỉ lệ Nữ:Nam trong võ thuật là 1:3, và một sự ngoại lệ là ở Naginata, Aikido có nhiều phụ nữ tập luyện hơn. Thêm vào đó, độ tuổi trung bình của võ sinh Aikido cao hơn so với môn võ khác. Chủ yếu từ khoảng độ tuổi 18 tới 40.
Aikido dựa vào các chuyển động tự nhiên của cơ thể vì vậy không hề có vận động quá mức. Nó không đòi hỏi sức mạnh cơ bắp nhiều, do đó mọi người đều có thể tập luyện theo sở thích.

H: Tập luyện cơ bắp như là tập tạ có cần thiết cho Aikido không?
Đ: Không. Tổ sư hồi xưa khá tự tin vào sức mạnh cơ bắp ghê gớm của mình cho đến một hôm gặp đại sư Sokaku Takeda. Đại sư Sokaku nhỏ con, mảnh khảnh và vào khoảng ngũ tuần, nhưng ông ta đã hạ đo ván Morihei dễ dàng. Nếu thân thủ, thân pháp di chuyển một cách tự nhiên, Aikido không cần dùng sức mạnh cơ bắp, và chúng ta vẫn có thể tiếp tục luyện tập môn võ này dù gặp vấn đề về tuổi tác.
Phải nói thêm rằng, nếu bạn tập tạ hoặc luyện tập cơ bắp tách rời khỏi những bài tập Aikido, thì cơ bắp của bạn có xu hướng săn và bó chắc lại, khiến ngăn cản sự lưu thông của dòng ki. Tốt nhất nên giữ cơ thể một cách tự nhiên. Và thậm chí tập luyện cơ thể để có sức mạnh cũng không phải là một ưu tiên trong Aikido. Aikido rèn luyện và cho bạn những cơ bắp mạnh mẽ và linh hoạt một cách tự nhiên.

H: Đâu là bản chất thực sự của ki trong Aikido? Nó có giống như là khí trong võ thuật Trung Hoa?
Đ: Một lần nữa, chúng tôi xin giải thích khái niệm này theo ngữ nghĩa, nhưng nếu ai không có kinh nghiệm thực sự thì lời giải thích này không giúp ích được gì cả. Nếu ai không thực sự luyện tập, những gì có trong đầu hoặc rất ít hoặc là không.
Điều chắc chắn là khái niệm Ki chính là trọng tâm của Aikido, và Tổ sư luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của Ki. Tuy nhiên tổ sư giải thích rằng Ki là khái niệm rất uyên thâm và rất khó để lĩnh hội được, đặc biệt đối với thế hệ người hiện đại như chúng ta. Một số người đã cố gắng đi theo con đường mà Tổ sư đã chỉ dẫn, số còn lại thì không. Một dịp tình cờ Tổ sư nói về Ki, bỗng dưng mỉm cười và nói: “Ki được tiếp nhận từ Chúa Trời!”
Tuy nhiên, nếu chúng ta giải thích với môn sinh mới nhập môn như vậy, “Ki là một dạng năng lượng; loại khí xuất phát từ vũng rốn và xuyên vào cõi hư không của vũ trụ!”. Có ai tin vào điều này? Tốt hơn hết bạn nên tự tìm hiểu về Ki qua những bài tập hàng ngày.
Về mối quan hệ của Ki và Khí trong võ thuật Trung Hoa. Chúng khá là giống nhau nhưng được sử dụng khác nhau. Dĩ nhiên trong Aikido, khái niệm của Ki không hề bị giới hạn, nhiều môn võ thuật khác và nhiều hệ thống triết học khác diễn tả thông qua “năng lượng của vũ trụ” hoặc “năng lượng sinh học”. Có nhiều điểm tương đồng giữa Ki trong Aikido và Khí trong võ thuật Trung Hoa nhưng phương thức hoàn toàn khác nhau, và chúng ta không nên xem hai khái niệm này là tương đồng hoàn toàn. Nên được tôn trọng là hai hệ thống riêng biệt và độc lập với nhau.

H: Trong Aikido, “sức mạnh hô hấp” (kokyu-ryoku) được đề cao. Nó có liên hệ gì đến thể tích của phổi không?
Đ: Thể tích phổi chỉ là một phần nhỏ của sức mạnh hô hấp trong Aikido. Nó liên quan đến sự tận dụng tối đa năng lượng của cơ thể. Sức mạnh hô hấp không chỉ là hô hấp, mà còn là sự tập trung năng lượng khi cơ thể hợp nhất với ý. Năng lượng hô hấp là một điều tối quan trọng trong Aikido. Thậm chí một người có thể tích phổi hạn chế, người đó vẫn có thể có được siêu năng lượng, siêu sức mạnh đó khi hợp nhất được thân và ý. Sức mạnh hô hấp và Ki là nguồn sức mạnh của Aikido.
Chúng ta không thể sống mà không hít thở, và mọi người hô hấp một cách không chủ ý, theo bản năng. Giả sử hô hấp bị ngưng lại, chắc chắn chúng ta không tồn tại. Hô hấp là điều tự nhiên nhất của phản ứng ngược lại của sự sống. Ki và năng lượng hô hấp không thể tách rời nhau, và rất đặc trưng cho Aikido.

H: Khi tôi quan sát võ sinh tập Aikido, họ quay vòng vòng như một con quay (con cù). Liệu những thân pháp như vậy thực sự hiệu quả trong võ thuật?
Đ: Lời phúc đáp là: Chúng tôi sẽ lấy một ví dụ trong giáo dục để minh họa. Nếu học sinh chỉ ôn luyện những câu hỏi trong kì thi đầu vào, thì chắc chắn kiến thức của anh ta sẽ bị hổng và không hoàn thiện. Trong khổ luyện về lĩnh vực nào đó, liệu chúng ta có thể bỏ qua những điều cơ bản không? Câu trả lời là phải nắm rõ, hiểu rõ, và thuần thục những điều cơ bản, thì chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh sau này.
Một phương pháp giảng dạy nữa là phải theo một mô-tuýp. Trong võ thuật, điều này được thể hiện như: “Nếu trường hợp này xảy ra, thì phản ứng sẽ là như vầy”. Điều này chỉ giúp ích cho võ sinh học và rèn luyện, nhưng trong thực tế thì không phải vậy. Chắc chắn là một điều không thể để có một định luật hay quy luật tổng thể cho mọi trường hợp, mọi bài toán, và thực tế là chúng ta không thể yêu cầu địch thủ ra đòn loại nào, hoặc thế nào.
Hãy xem kĩ vào những phương pháp tập trong Aikido. Chúng ta tập luyện bộ quỳ mà thực tế thì chẳng bao giờ dùng trong xã hội hiện đại này cả – vì bây giờ mọi người ngồi bằng ghế – nhưng nếu tập luyện như vậy sẽ giúp chúng ta phát triển sức mạnh của đôi chân và hông, giúp có một trọng tâm vững vàng, và năng lượng hô hấp khỏe. Trong tập luyện sẽ gặp những kỷ thuật mà hoàn toàn không thể áp dụng trong thực tế, nhưng tiếp tục tập những kĩ thuật cơ bản đó sẽ cho chúng ta khả năng phản ứng một cách kịp thời và hợp lí trong điều kiện thực tế.
Thêm vào đó, siêu năng lượng Ki được sản sinh ra từ những chuyển động vòng tròn. Để có thể tạo ra vòng tròn mỹ miều, thì phải có một trọng tâm vững là một điều cần thiết. Ki được giải thoát ra từ trọng tâm, và nó là nguồn năng lượng mạnh mẽ của mỗi vòng quay. Nếu chúng ta bị mất trọng tâm một chút, tất cả sức mạnh sẽ bị phân tán, nhưng nếu chúng ta giữ vững trọng tâm, ta sẽ có thể khiến cho đối thủ mạnh mẽ nhất phải quay vòng. Đây chính là nguyên lí của Aikido.
Mọi chuyển động vật lí của Aikido đều giữ trọng tâm tại đan điền (seika tanden), trọng tâm của cơ thể chúng ta. Nếu chúng ta giữ vững trọng tâm tại nơi đó, chúng ta có thể quay vòng, dù lớn hay nhỏ với sự ổn định và năng lượng ki được giải phóng. Võ sinh Aikido không bao giờ chỉ “quay vòng vòng”.

H: Đòn đá được áp dụng trong Aikido không?
Đ: Không. Tổ sư có đôi chân rất khỏe và mạnh, vào một dịp tổ sư phô diễn những chiêu cước (kĩ thuật chân) trong biểu diễn, nhưng chẳng có chiêu cước nào được dùng trong kĩ thuật Aikido hiện đại.
Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập từ trước, Aikido chú tâm đến sự tập trung giữa thân và ý (tinh thần), với đôi chân sát mặt đất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đòn đá hoặc quét chân tạm thời làm mất trọng tâm trong thời gian ngắn, và do đó bị loại bỏ.
Những kĩ thuật trong Aikido không theo một mô-tuýp nào cả, và không có chuyện: “nếu trường hợp này xảy ra, thì phản ứng sẽ là vầy”. Chúng ta không thường xuyên tập những bài tập chống đá trong Aikido. Và có thể có nhiều quan điểm cho rằng cách giải quyết còn có vấn đề, nhưng thực tế nếu ai đã có một nền tảng cơ bản vững chắc, thì đối với loại tấn công nào cũng có thể xử lý triệt để.
Đây có một ví dụ một huấn luyện viên Aikido ở Thailand bị thách đấu bởi một võ sĩ địa phương Quyền Anh Thái. Dù rằng vị huấn luyện viên kia cố gắng giải thích rằng Aikido không được phép thi đấu, nhưng người thách đấu vẫn một mực không đổi ý. Người võ sĩ tung một cú đá, khiến huấn luyện viên kia phải nhập vào cuộc đấu. Sau đó ông ta quay vòng chàng võ sĩ với kĩ thuật Ikkyo.
Huấn luyện viên kia chẳng bao giờ tập kỹ thuật chống đá, và chính ông ta cũng ngạc nhiên: “làm sao kỹ thuật được tung ra rất tự nhiên và hiệu quả như vậy”. Ông ta không nhận thức được tại sao phản ứng đáp trả của ông lại tự nhiên như vậy, và lí do là do ông ta luyện tập những kỹ thuật Aikido cơ bản hằng ngày.

H: Có thể loại đấu tự do (randori) trong Aikido không?
Đ: Không, cùng với lý do nêu trên là trong Aikido không có thi đấu. Chúng ta không bao giờ tấn công đối thủ trước cả, và chỉ đánh trả khi đối thủ tấn công, vì vậy hai võ sinh Aikido không thể đấu võ với nhau được. Tuy nhiên, chúng ta có loại tập luyện tự do khi mà người Uke dùng nhiều dạng tấn công khác nhau, và người Tori tự do dùng các kĩ thuật Aikido để hóa giải.

H: Trong luyện tập Aikido, chúng ta nên đối lực như thế nào khi bị lực Aikido tác động? Nếu chúng ta phát ra đối lực quá lớn, thì người bạn tập sẽ gặp khó khăn khi tập, và nếu không đối lực, thì đâu phải là luyện tập thực sự?
Đ: Chúng ta không nên đối lực quá mạnh. Rất nhiều môn võ khác không đồng tình với phương pháp này, nhưng đây không phải là vấn đề về thực hiện kĩ thuật một cách bị động. Mà là vấn đề của sự hòa hợp, và cùng với người tập luyện chung, chúng ta sẽ học được cảm nhận về lực cũng như là đối lực. Đây chính là phương pháp tập luyện hiệu quả.
Lấy một ví dụ minh họa cho tính hiệu quả của phương cách này. Một lần đô vật Ichiro Yata viếng thăm Dojo chúng tôi. Yata đã từng là vận động viên tham dự Olympics Los Angeles năm 1932 và đã giữ chức chủ tịch Hiệp Hội Đô Vật Không Chuyên toàn Nhật Bản. Thân hình ông ta lực lưỡng và có nhiều năm kinh nghiệm với môn đô vật, nhưng Yata hoàn toàn bị lúng túng khi bị khóa Nikyo vào cổ tay. Vì ông ta chưa bao giờ tập luyện Aikido, nên không thể nào chống lại được dù rằng với thể trạng cơ thể ông ta rất khỏe mạnh và lực lưỡng. Aikido nhìn sơ qua thì dễ dàng, nhưng một khi luyện tập bạn sẽ nhận ra mức độ khó khăn thế nào là cần thiết để rèn luyện một kỹ thuật hoàn hảo.
Nếu chúng ta cho rằng hòa hợp với người bạn tập không có tí giá trị gì trong những tình huống thực tế, bằng cách chống lại lực của đối phương để có vẻ thực tế hơn, thì chúng ta đã bỏ qua những tính chất thiết yếu của Aikido.

H: Có khoảng bao nhiêu kĩ thuật trong Aikido?
Đ: Bây giờ, tại tổng đàn Aikido có khoảng 50 nguyên lý và kĩ thuật căn bản. Tuy nhiên một khi các kĩ thuật cơ bản này được tập luyện một cách thuần thục và những nguyên lý Aikido được hiểu thấu đáo, thì số lượng những đòn thế kỹ thuật là không thể đếm được. Đòn thế trong Aikido không phải là chỉ học phần hình, bằng cách chỉ bắt chước y hệt những chiêu thức. Vì là một điều không thể là bắt mọi người vào chung một khuôn, kỹ thuật và đòn thế đều được bắt nguồn từ những kỹ thuật Hiệp khí.

H: Đâu là sự khác biệt giữa “những nguyên lý” và “kỹ thuật căn bản”?
Đ: Những nguyên lý là nhân tố cơ bản nhất. Nếu chúng ta vẽ một đường thẳng song song trong toán học, thì những nguyên lý này sẽ tương tự như năm tiên đề Euclip. Những tiên đề này là điều cơ bản nhất dùng cho hình học. Bởi vì “những nguyên lý” giống tựa như những tiên đề, thì sẽ không có bất cứ kỹ thuật hoặc đòn thế nào trái với “những nguyên lý” trên. Còn những kỹ thuật căn bản là được phát sinh từ những nguyên lý đó, và qua tập luyện trở thành những bằng chứng rõ ràng để minh chứng cho những nguyên lý.
Có một số người tự sáng chế ra nguyên lý, nhưng điều này là không thể được trong võ thuật. Vì tất cả mọi thân pháp, mọi di chuyển đều phải tuân theo những nguyên tắc tự nhiên, và không thể tự tạo ra được.
Và đây là một ví dụ: Nếu chúng ta làm rơi một hòn đá, nó sẽ rơi xuống đất do lực hấp dẫn, và đó chính là chân lý bất biến, không thể thay đổi. Đó là nguyên lý phải được quan sát, một khi hiểu được điều này, nó sẽ là nền tảng để ứng dụng sau này. Từ những nguyên lý cơ bản đó, thân pháp, sự di chuyển sẽ được xây dựng, và từ những di chuyển cơ bản đó sẽ được phát triển, và mở rộng ra nhiều dạng khác nhau.

H: Có quá nhiều kỹ thuật, liệu có gặp khó khăn khi phải ghi nhớ không?
Đ: Có những người muốn nhớ tất cả kỹ thuật từ lúc bắt đầu, hoặc phải giải thích lý thuyết cho họ biết trước khi họ luyện tập. Tuy nhiên, nếu chúng ta suy nghĩ như vậy sẽ rất khó khăn để học những thân pháp tự nhiên của Aikido và sự hợp nhất giữa thân và ý. Suy nghĩ quá nhiều sẽ làm cản trở sự tiến bộ. Khi có một võ sinh nói rằng : “Em không thể nhớ được đòn thế mà em đã học. Em làm sao đây?” thì trả lời là : “Cũng tốt thôi! Điều quan trọng là em phải quên những cái em học, mà hãy học qua sự cảm nhận của cơ thể”

H: Aikido có nhiều hệ phái không?
Đ: Một điều chắc chắn rằng sẽ có nhiều võ đường tự cho mình là một loại Aikido gì đó, dù rằng không hiểu bản chất Aikido như thế nào. Và có một vài nhóm Aikido được tách ra bởi những học trò cũ của Tổ sư, và thậm chí có một số người đi quá xa là tổ chức thi đấu cho môn võ này. Nó hoàn toàn đi ngược với tinh thần Aikido. Dù rằng kỹ thuật có nét tương đồng, nhưng nếu họ có tinh thần, ý nghĩ lệch lạc với ý của Tổ Sư, thì đó không phải là Aikido.
Chúng tôi thực sự không muốn nghĩ rằng có nhiều hệ phái Aikido riêng lẻ. Nếu chúng tôi chỉ ra có quá nhiều sự khác biệt về cảm nhận của đòn thế, thì hình ảnh tổng thể Aikido sẽ bị bôi nhọ.

H: Mục đích của việc luyện tập sơ bộ Furitama và Torifune-undo là gì?
Đ: Những ai luyện tập theo dạng Misogi, một nghi lễ Shinto (đạo thần Nhật Bản) để làm trong sạch tinh thần và thể xác con người. Tổ Sư rất là sùng bái đạo Shinto bí truyền, đặc biệt là Kototama, một môn khoa học về âm thanh thánh thần huyền bí, và ông cũng bái pháp sư Bonji Kawazura (1862-1929) làm thầy để học đạo Shinto. Tổ Sư luyện tập những bài tập bí truyền cả từ trước và sau Thế Chiến Đệ Nhị, và một số đệ tử cũng tập theo noi gương ông.
Một cách đơn giản hơn, Misogi là phương pháp của tĩnh sạch tâm hồn và thể xác con người. Rất là khó có thể tin được là với một động tác đơn giản mà có thể làm thay đổi tính cách của một người, nhưng với ai tập luyện nghi lễ misogi một cách thành tâm, thì hoàn toàn không nghi ngờ gì về sự linh nghiệm của nó.

H: Phương pháp giáo dục lễ nghi trong Aikido như thế nào?
Đ: Lễ nghi là do con người tạo ra và sẽ không thể tìm thấy điều này trong thế giới của loài vật. Khái niệm lễ nghi “đúng nghĩa” khác biệt khá lớn từ nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Không thể đưa ra một tiêu chuẩn phép tắc nào đó là một tiêu chuẩn đúng để noi theo. Phương pháp giáo dục lễ nghi trong Aikido là cứ để sự cảm nhận về lễ nghi phát triển tự nhiên từ từ, qua những bài tập hàng ngày. Và không có những lễ nghi nào được quy định tại tổng đàn Aikido.
Một ví dụ là: trẻ em luyện tập Aikido tại Hawaii không bao giờ được nhắc nhở về chuyện để dép ngoài sân tập một cách có trật tự. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, ngay cả võ sinh nhí bê bối nhất cũng phải sắp xếp giầy dép theo thứ tự gọn gàng, điều mà làm ngạc nhiên chính bố của các em đó. Các em sẽ từ từ cảm nhận tầm quan trọng của lễ nghi mà không cần đến sự chỉ dẫn từ huấn luyện viên.
Nếu lễ nghi nào mà được áp đặt, thì là không phải là một phép tắc đúng nghĩa. “Luyện tập tại Budo là bắt đầu và kết thúc bằng sự tôn trọng lẫn nhau” là câu nói thường được nhắc đến, dù rằng điều đó được thể hiện bằng cách này hoặc cách khác. Trong Aikido, phép tắc tốt nhất là có lễ nghi theo cách tự nhiên.

H: Mối quan hệ quan trọng nhất giữa việc luyện tập Aikido hàng ngày và cuộc sống đời thường là gì?
Đ: Ví dụ là một người phải giữ vững thân pháp và sự di chuyển trong Aikido cả ngày. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là giữ vững được thái độ nhã nhặn, và sự hòa hợp giữa tinh thần và thể chất. Về mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, phải tránh những mâu thuẫn, xung đột, và phải giải quyết mọi vấn đề một cách ôn hòa theo tinh thần Aikido. Để làm điều này tốt hơn, chúng ta phải khiêm tốn và hòa nhã.

Doshu Kisshomaru – Best Aikido: The Fundamentals

Dịch và biên soạn: HLV. Phạm Duy Khoa

Hỏi và đáp trong Aikido